01/09/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Cục Hàng hải Việt Nam đã kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ tàu, doanh nghiệp hàng hải…

Hình ảnh minh họa

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng hải đang chịu tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Cục Hàng hải Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo kịp thời đối với các Cảng vụ hàng hải triển khai thực hiện thông qua việc cắt giảm; gộp các thủ tục hành chính công; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong điều hành công việc quản lý hành chính nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế nhất là trong điều kiện dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, mức độ lây lan rộng ở các địa phương như hiện nay.

Đối với ngành hàng hải, nơi có các cảng biển là đầu mối tiếp nhận tàu thuyền, thuyền viên nước ngoài, nội địa vào, rời cảng biển để thực hiện việc xuất, nhập khẩu, vận tải hàng hóa, hành khách phục vụ mục tiêu kép của Chính phủ cũng đứng trước những khó khăn, phát sinh thách thức mới đặt ra. Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải đã nhất quán xác định cảng biển, vận tải biển đã, đang và sẽ là một khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng, sản xuất. Do đó, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội vận tải biển và các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hàng hải. Trong đó, cơ chế chính sách thu, nộp phí, lệ phí hàng hải đã góp phần giảm chi phí cho chủ tàu, doanh nghiệp hàng hải, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đa dạng hóa hình thức thu, nộp phí thông qua biên lai thu phí, lệ phí điện tử nhằm giảm tiếp xúc giữa người thu và người nộp, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, tạo thuận lợi trong lựa chọn hình thức nộp tiền phí, lệ phí vào ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp, chủ tàu. Hiện nay, các doanh nghiệp, chủ tàu có thể lựa chọn hình thức: nộp tiền mặt, nộp chuyển khoản hoặc phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác đồng thời nhận ngay Biên lai thu phí, lệ phí điện tử từ các Cảng vụ hàng hải qua email đã đăng ký với Cảng vụ cho mỗi lần tàu thuyền vào, rời cảng biển, khu vực hàng hải. Việc phát hành, sử dụng Biên lai thu phí, lệ phí điện tử vừa đảm bảo thuận lợi cho người nộp, thay thế khâu viết hoặc in biên lai thủ công như trước đây, đồng thời giảm thời gian chờ đợi, giảm chi phí đi lại của doanh nghiệp, chủ tàu, góp phần vào thực hiện chủ trương, định hướng về xây dựng Chính phủ điện tử chung của Nhà nước.

Thứ hai, thông qua các cuộc đối thoại doanh nghiệp giữa Cục Hàng hải Việt Nam và các Hiệp hội, doanh nghiệp, Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ động đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy định thu phí, lệ phí hàng hải. Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 74/2021/TT-BTC ngày 27/8/2021 (gọi tắt là Thông tư số 74) với những nội dung chính như sau:

- Gia hạn thời gian giảm phí cho tàu thuyền chở công-ten-nơ xuất, nhập khẩu, trung chuyển vào, rời các bến cảng trên sông Cái Mép - Thị Vải vơi các mức giảm:  40% phí trọng tải tàu, thuyền; 40% phí bảo đảm hàng hải cho tàu thuyền có tổng dung tích từ 50.000 GT trở lên từ ngày Thông tư số 74 có hiệu lực áp dụng, từ ngày 12/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021;  20% phí trọng tải tàu, thuyền; 20% phí bảo đảm hàng hải cho tàu thuyền có tổng dung tích từ 80.000 GT trở lên từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023;       

- Gia hạn thời gian giảm phí cho tàu thuyền chuyển tải dầu tại Vịnh Vân Phong - Khánh Hòa với các mức giảm: 50% phí trọng tải tàu, thuyền; 50% phí bảo đảm hàng hải; 50% phí sử dụng vị trí neo, đậu từ  ngày Thông tư số 74 có hiệu lực áp dụng, từ ngày 12/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021; 20% phí trọng tải tàu, thuyền; 20% phí bảo đảm hàng hải; 20% phí sử dụng vị trí neo, đậu từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Các quy định này là công cụ về cơ chế chính sách của Nhà nước nhằm tiếp tục hỗ trợ đối với sự phát triển của cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải để thu hút tàu chở container có dung tích lớn và thu hút tàu chuyển tải dầu tại vịnh Vân Phong-Khánh Hòa phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và kinh tế của vùng khu vực.

- Từ ngày 27/8/2021 (ngay từ ngày Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 74), miễn các loại phí trọng tải tàu, thuyền, phí bảo đảm hàng hải cho tàu thuyền hành trình đến vị trí kiểm dịch hoặc cách ly tại khu vực hàng hải khác (nơi có đủ điều kiện kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền quy định) theo điều động của cảng vụ hàng hải để phục vụ công tác phòng, chống, kiểm dịch;

- Từ ngày 27/8/2021 (ngay từ ngày Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 74), miễn phí sử dụng vị trí, neo đậu cho tàu thuyền trong thời gian phải neo chờ để thực hiện việc kiểm dịch y tế trước khi đưa tàu thuyền vào cầu cảng thực hiện xếp, dỡ hàng hóa, đón, nhận trả khách hoặc trong thời gian tàu thuyền bị buộc phải neo đậu cách ly tại vị trí chỉ định theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác phòng, chống, kiểm dịch.

Các quy định miễn phí trên là giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho chủ tàu, doanh nghiệp trong thời gian cách ly, kiểm dịch, đảm bảo an toàn, hạn chế việc lây nhiễm từ các thuyền viên, hành khách trên tàu khi tàu vào cảng biển xếp, dỡ hàng hóa hoặc nhận, trả khách.

- Từ ngày Thông tư số 74 có hiệu lực áp dụng (ngày 12/10/2021), áp dụng mức thu phí, lệ phí thấp theo Thông tư số 248/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính đối với phương tiện thủy nội địa hoạt động vận tải trên các tuyến đường thủy theo Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy khi vào, rời khu vực hàng hải. Đây là quy định được ban hành nhằm giảm khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp vận tải thủy, chủ tàu phương tiện thủy nội địa của cả Việt Nam, Campuchia, đồng thời thúc đẩy xuất, nhập khấu hàng hóa thông thương giữa hai nước Việt Nam, Campuchia. Mặc dù hiện  nay, các phương tiện thủy nội địa của Việt Nam hoạt động trên tuyến vận tải thủy quy định tại Hiệp định khi vào đến cảng nội địa của Campuchia vẫn phải chịu mức thu phí quốc tế khá cao với mức thu phí bằng đồng đô la Mỹ theo luật pháp của nước bạn.

- Từ ngày Thông tư số 74 có hiệu lực áp dụng, miễn thu phí trọng tải tàu, thuyền đối với tàu thuyền của lực lượng vũ trang nước ngoài đến khu vực hàng hải để vận chuyển khí tài, trang thiết bị, vật tư, phụ tùng mua sắm hoặc hàng viện trợ cho lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là quy định miễn phí cho các tàu của lực lượng vũ trang nước ngoài khi tham gia một số hoạt động đặc thù về quân sự hoặc viện trợ nhân đạo.

Thứ ba, ngay sau khi có các chính sách thu phí, lệ phí hàng hải mới được Bộ Tài chính ban hành, Cục Hàng hải Việt Nam đều đã nghiêm túc thực hiện triển khai tổ chức tập huấn, kịp thời có văn bản hướng dẫn, giải đáp chi tiết các tình huống thu phát sinh, đảm bảo việc thực hiện thu được áp dụng thống nhất, đúng quy định của Nhà nước tại các Cảng vụ hàng hải.

Được biết, trước khi Thông tư số 74/2021/TT-BTC ngày 27/8/2021 được ban hành, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã chủ động tham mưu trình Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để ban hành Thông tư số 90/2019/TT-BTC ngày 31/12/2019, theo đó từ 01/03/2020 đã có quy định áp dụng thu mức phí thấp đối với phương tiện thủy nội địa mang nhiều cấp đăng kiểm; miễn thu phí bảo đảm hàng hải, phí sử dụng vị trí neo, đậu đối với tàu thuyền mang cấp đăng kiểm VRH-III hoạt động hàng hải nội địa có tổng dung tích dưới 500 GT vào, rời khu vực hàng hải đến hết ngày 31/12/2024 và một số quy định miễn, giảm phí khác nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các phương tiện thủy nội địa mang cấp đăng kiểm VR-SB và tàu biển mang cấp đăng kiểm VRH-III có tổng dung tích dưới 500 GT hoạt động vận tải hàng hóa trên tuyến nội địa Việt Nam.

Để thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về thu phí, lệ phí hàng hải mới của Bộ Tài chính, trong đó có quy định miễn thu phí của các tàu kiểm dịch, cách ly áp dụng từ 27/8/2021, trong thời gian tới, các Cảng vụ hàng hải là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển theo quy định tại Điều 120, Điều 121, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan kiểm dịch, y tế của địa phương để xác định cụ thể phương thức, hình thức xét nghiệm, kiểm dịch đối với thuyền viên khi có tàu thuyền đến khu vực hàng hải; phương thức phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên ngành về thời gian bắt đầu kiểm dịch, thời gian kết thúc kiểm dịch cũng như thống nhất chỉ định vị trí kiểm dịch có đủ điều kiện tại từng khu vực hàng hải.

Sự phối hợp nhịp nhàng này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thực hiện đúng, đầy đủ chính sách miễn thu phí của Nhà nước với mục đích cuối cùng là giảm bớt khó khăn, giảm chi phí cho chủ tàu, doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh, tiết giảm tối đa thời gian chờ đợi khâu kiểm dịch của các tàu thuyền giúp tàu thuyền có thể quay vòng nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp./.

TS. Trần Quang Huy - Phòng Tài chính

 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24306423
    • Online: 617