23/03/2011

Hệ thống cảng biển ở TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai (còn được gọi chung là Cụm cảng biển số 5) đang có những bước chuyển mình hết sức mạnh mẽ, thể hiện sự thành công của ngành trong việc thực hiện 2 quy hoạch quan trọng: Di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn và Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2025. Doanh nghiệp năng động Theo Quy hoạch Phát triển cảng biển Việt Nam đến 2025, Cụm cảng biển số 5 sẽ được tổ chức lại theo hướng khu vực sông Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, sẽ phát triển hệ thống cảng biển nước sâu với vai trò cửa ngõ quốc tế của khu vực. Hệ thống cảng biển ở TPHCM sẽ phát triển mạnh ở khu vực sông Soài Rạp và một phần ở sông Đồng Nai với vai trò đầu mối giao thương của khu vực. Hệ thống cảng biển ở Đồng Nai tập trung phát triển trên sông Đồng Nai nhưng với quy mô nhỏ hơn hệ thống cảng biển ở TPHCM, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của địa phương. Một điểm rất mới, rất đáng mừng cho hoạt động cảng biển Việt Nam nói chung và Cụm cảng biển số 5 của TPHCM, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai trong thời gian qua, là đã có sự năng động, chủ động hợp tác quốc tế hết sức mạnh mẽ từ chính các doanh nghiệp. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (Portcoast) - đơn vị tư vấn nghiên cứu và lập Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến 2025, các nhà khai thác cảng biển của Việt Nam đã xây dựng được những mối liên kết rất bền chắc đối với hầu hết các nhà khai thác cảng biển cùng các hãng tàu biển lớn trên thế giới. Ở khu vực Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) Công ty Xây dựng, Thương mại Sài Gòn đã hợp tác với nhà khai thác cảng biển hàng đầu thế giới Hutchison để xây dựng cảng SITV. Công trình đang trong giai đoạn hình thành. Cũng tại đây, cảng Sài Gòn và PSA, nhà khai thác cảng biển lớn thứ 2 trên thế giới, đã xây dựng xong và đưa vào khai thác cảng quốc tế container SP-PSA gần một năm qua. Từ cảng quốc tế này, trung bình mỗi tuần đã có gần 10 chiếc tàu lớn ra, vào với nhiều hành trình chở hàng đi thẳng qua châu Âu và châu Mỹ, giúp các chủ hàng tiết kiệm khoảng 20% thời gian đi lại so với trước. Danh tiếng của SP-PSA đã vang khá xa, nhiều chủ hàng từ nước láng giềng Campuchia đã dùng sà lan đưa hàng tới SP-PSA để được chuyển thẳng tới châu Âu và châu Mỹ. Ở sông Soài Rạp (TPHCM), Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Dubai World, nhà khai thác cảng biển lớn thứ 3 thế giới, đã xây dựng và đưa vào khai thác cảng container quốc tế Sài Gòn (SPCT) từ một năm qua. Ở đây trung bình một tuần đã có khoảng 7-8 tàu ra vào nhận hàng. Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, nhà khai thác cảng biển lớn nhất Việt Nam, cũng có một liên doanh rất hiệu quả với 3 hãng tàu lớn trên thế giới là MOL (Nhật Bản), Hanjin (Hàn Quốc) và Wanhai (Đài Loan - Trung Quốc) để khai thác chính cảng Tân Cảng - Cái Mép của đơn vị. Đây là một mô hình liên doanh giữa nhà khai thác cảng và các hãng tàu mới được Thủ tướng cho thí điểm ở Việt Nam. Bằng sự liên kết này cùng với việc đầu tư xây dựng cảng Tân Cảng- Cái Mép hiện đại, hiện từ đây đã thiết lập được nhiều tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp đi châu Âu và Mỹ tương tự SP-PSA. Nhà nước chủ động Theo Quy hoạch di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn, các cảng biển nằm trong khu vực này như cảng Sài Gòn, cảng Tân Thuận Đông, cảng Rau Quả và Nhà máy Đóng tàu Ba Son sẽ là những đơn vị đầu tiên phải di dời khỏi nội thành TPHCM. Tiếp sau sẽ là cảng Bến Nghé… Việc di dời nhằm vào 2 mục tiêu lớn. Thứ nhất, làm giảm áp lực giao thông trong nội thành TPHCM, chống ùn tắc và tai nạn giao thông. Thứ hai, tạo điều kiện cho các cảng phát triển bởi nội thành TPHCM đã chật chội, không còn đất để các cảng mở rộng phục vụ sản xuất. Có 3 khu vực để các cảng di dời đến: khu vực Cái Mép - Thị Vải, khu vực Cát Lái (TPHCM) và khu vực Hiệp Phước. Quy hoạch này đã được triển khai thực hiện từ hơn 5 năm trước. Những ngày đầu tháng 3 vừa qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã đưa vào sử dụng và khai thác luồng tàu biển Cái Mép - Thị Vải thông từ cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải ra phao số 0 (công trình được thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản). Tuyến luồng này dài khoảng 49km, chiều rộng 250 - 480m tùy đoạn với 2 làn đi - về cho tàu lưu thông. Chỉ có một đoạn đi qua khúc cong chữ S của sông Cái Mép - Thị Vải có 1 làn. Độ sâu từ phao số 0 đến khu vực cảng Cái Mép là 14m, từ khu vực cảng Cái Mép lên khu vực cảng Thị Vải là 12m, có thể đảm bảo cho tàu trọng tải 80.000 tấn lưu thông an toàn. Cùng với tuyến luồng này, 2 cảng biển nước sâu khác ở khu vực Cái Mép- Thị Vải cũng đang được xây dựng từ nguồn vốn Chính phủ Việt Nam vay theo hình thức ODA của Nhật Bản. Động thái này của Chính phủ được nhiều nhà kinh tế đánh giá rất cao bởi nó góp phần khẳng định quyết tâm hình thành cụm cảng biển nước sâu tại Cái Mép - Thị Vải của Nhà nước Việt Nam trước các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ông Phạm Anh Tuấn, khoan nói đến 2 cảng, chỉ riêng việc hình thành luồng tàu biển từ Cái Mép - Thị Vải cũng đã có một ý nghĩa “thu hút” rất lớn đối với các nhà đầu tư. Có luồng tàu biển này, các cảng biển nêu trên mới có thể đón tàu lớn đến 80.000 DWT và hơn nữa ra- vào. Đón được tàu lớn thì các nhà khai thác cảng biển cùng các hãng tàu biển mới có thể tổ chức được các tuyến vận tải đi thẳng qua Mỹ và châu Âu. Về 2 cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn ODA, Cục Hàng hải Việt Nam dự kiến sẽ cho các nhà khai thác cảng biển thuê khai thác để từ đây hình thành mô hình khai thác cảng biển mới ở Việt Nam: Nhà nước đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp thuê sử dụng. Tại khu vực Soài Rạp, UBND TPHCM cũng rất năng động khi giao cho Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận chủ động tổ chức đấu thầu nạo vét luồng sông Soài Rạp để đón tàu lớn. Hiện Công ty Công nghiệp Tân Thuận đang chuẩn bị mở thầu dự án này. Luồng Soài Rạp được nạo vét đến độ sâu 12m sẽ là tiền đề quan trọng có tính quyết định cho việc phát triển cụm cảng biển ở Hiệp Phước. Nguyễn Khoa (SGGP online)

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24306089
    • Online: 282