12/01/2012

Phó Cục trưởng Đỗ Đức Tiến: Cục Hàng hải VN tích cực, chủ động bảo đảm ATHH và góp phần bảo vệ môi trường biển Trước thềm năm mới 2012, Phó Cục trưởng Đỗ Đức Tiến đã giành thời gian trao đổi cùng phóng viên Tạp chí HHVN về một số công việc đã được Cục Hàng hải VN triển khai trong thời gian qua. Thưa ông, trong năm 2011, tình hình tàu biển VN bị lưu giữ qua kiểm tra PSC dường như chưa được cải thiện nhiều so với kỳ vọng. Nguyên nhân của thực trạng trên? Trong năm 2011, tàu Việt Nam bị kiểm tra ở nước ngoài là 1.015 lượt tàu và 101 lượt tàu bị lưu giữ. So với năm 2010 số lượng tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài đã tăng gấp đôi. Một số nguyên nhân chính dẫn đến lưu giữ tàu: Tình trạng kỹ thuật của đội tàu biển Việt Nam còn kém. Công tác duy tu, bảo dưỡng của các chủ tàu chưa thực hiện một cách nghiêm túc theo quy định. Các tàu biển mua ở nước ngoài chủ yếu là tàu cũ; tàu đóng tại các cơ sở đóng mới, hoán cải trong nước chất lượng còn hạn chế, đặc biệt là các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ. Các chủ tàu sử dụng trang thiết bị vật tư đóng tàu có nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, tận dụng các trang thiết được tháo từ các tàu biển cũ nên tàu đưa vào khai thác một thời gian đã xuất hiện nhiều sự cố kỹ thuật. Bên cạnh đó, do gặp khó khăn về kinh tế vì ảnh hưởng của suy thoái, gia cước thấp, lãi suất vay cao nên chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong tài chính dẫn đến tàu không được sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp để đáp ứng các yêu cầu về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển. Ngoài những chủ tàu có bề dày hình thành và phát triển như Vosco, Vitranschart, Vinaship…, chúng ta có không ít chủ tàu mới bước vào nghề khai thác vận tải biển nên chưa có đủ năng lực và kinh nghiệm trong việc quản lý, khai thác tàu; sự hiểu biết về các quy định của công ước quốc tế về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển và luật pháp quốc tế còn nhiều hạn chế. Trong thời gian qua, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) ban hành, sửa đổi, cập nhật nhiều quy định liên quan đến an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo hướng các yêu cầu, đòi hỏi ngày càng nâng cao hơn đảm bảo an toàn sinh mạng con người trên biển và bảo vệ môi trường biển vì một mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài việc đưa ra các quy định này cho các nước thành viên thực hiện thì việc tổ chức giám sát việc thực hiện của các quốc gia thành viên ngày càng quyết liệt hơn. Các thỏa thuận vùng về kiểm tra nhà nước tại cảng biển ngày càng được củng cố, phát triển và hoạt động tích cực, hiệu quả hơn. Do đó các quốc gia thành viên phải thực thi nghiêm chỉnh nghĩa vụ của mình và các tàu biển khi tham gia vào hoạt động quốc tế sẽ phải thực thi nghiêm chỉnh các quy định của công ước quốc tế. Bên cạnh đó, đội tàu của Việt Nam nằm trong “danh sách đen” và tuổi cao nên luôn là đối tượng được “ưu tiên” kiểm tra khi đến cảng. Trình độ, kinh nghiệm, khả năng chuyên môn và ngoại ngữ của thuyền viên Việt Nam còn hạn chế. Bên cạnh đó cách thức quản lý đội ngũ thuyền viên của chúng ta trong thời gian qua bộc lộ nhiều điểm yếu báo động và ý thức chấp hành pháp luật của thuyền viên còn kém. Tình trạng nợ lương thuyền viên kéo dài dẫn đến ý thức và kỷ luật lao động giảm sút. Tình trạng thuyền viên chuyển đổi công việc từ tàu này sang tàu khác quá phổ biến do sự thu hút, tuyển dụng của các chủ tàu. Sự phát triển quá nóng của đội tàu trong thời gian qua dẫn đến tình trạng thiếu thuyền viên trầm trọng, trong khi các cơ sở đào tạo của chúng ta chưa được đầu tư kịp thời và phù hợp cả về trang thiết bị và đội ngũ giảng viên… để đáp ứng được các yêu cầu của tình hình mới, do đó chất lượng của đội ngũ thuyền viên bị ảnh hưởng. Việc giám sát, kiểm tra đăng kiểm tàu biển và cấp các giấy chứng nhận liên quan của Bộ luật quản lý an toàn quốc tế của Đăng kiểm Việt Nam còn một số hạn chế. Việc kiểm tra của các cảng vụ hàng hải cũng còn chưa triệt để, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thực hiện các quy định của Bộ luật quản lý an toàn quốc tế của chủ tàu và tàu còn mang tính hình thức và đối phó. Nếu Bộ luật quản lý an toàn quốc tế này được thực thi một cách nghiêm túc, thiết thực và hiệu quả thì các điểm yếu về thuyền viên, tình trạng kỹ thuật tàu… sẽ được khắc phục và số lượng tàu bị lưu giữ sẽ giảm một cách đáng kể. Nhằm góp phần đưa đội tàu biển VN thoát khỏi “Danh sách đen” vào cuối năm 2014, nâng cao vị thế của vận tải biển Việt Nam trên trường quốc tế, thời gian qua, Cục Hàng hải VN đã tích cực chủ động triển khai và phối hợp thực hiện như thế nào nhằm giảm thiểu tình trạng tàu biển VN bị lưu giữ PSC? Trước tình hình trên, Cục HHVN và các cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan đã đề ra các biện pháp nhằm giảm thiểu tình hình tàu biển Việt Nam bị lưu giữ: - Quyết liệt triển khai Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; thực hiện triệt để Chỉ thị 17/2003/CT-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải và Chỉ thị 09/CT-BGTVT ngày 24/10/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài. - Tăng cường công tác kiểm tra tàu biển cả về số lượng và chất lượng; đặc biệt chú trọng kiểm tra kỹ đội tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế (100% tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế vào thời điểm thích hợp) và chỉ cho phép tàu rời cảng khi các khiếm khuyết đã được khắc phục. Tuy nhiên đội tàu hoạt động tuyến quốc tế của chúng ta hiện có rất nhiều tàu cho thuê định hạn, hoặc hoạt động thời gian dài ở nước ngoài mới về cảng biển Việt Nam do đó việc giám sát của các cảng vụ hàng hải đối với các tàu này còn hạn chế. Tăng cường kiểm tra các tàu biển của công ty có tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài, đặc biệt chú ý hệ thống quản lý an toàn quốc tế. Tổ chức xem xét, phân tích và rút kinh nghiệm đối với những tàu biển Việt Nam rời cảng thuộc khu vực quản lý ra nước ngoài bị lưu giữ. Yêu cầu chủ tàu có tàu bị lưu giữ báo cáo giải trình về việc bị lưu giữ và các biện pháp khắc phục. Kiểm tra nghiêm ngặt tàu và công ty có tàu nằm trong danh sách tàu dưới tiêu chuẩn “under-performing ship” do Tokyo MOU thống kê. - Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của các sỹ quan kiểm tra tàu. Mời chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam để đào tạo huấn luyện nâng cao trình độ PSCO cũng như cử các PSCO ra nước ngoài huấn luyện nâng cao trình độ. - Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật và các công ước quốc tế tới các chủ tàu, thuyền viên… - Tăng cường công tác giao lưu, hữu hảo với các PSCO tại cảng biển của các quốc gia trong khu vực tạo không khí cởi mở, hiểu biết lẫn nhau nhằm giúp đỡ nhau trong việc kiểm tra tàu trên tinh thần kiểm tra phát hiện khiếm khuyết, yêu cầu chủ tàu khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho tàu nhưng hạn chế việc lưu giữ tàu; có các biện pháp đối xử phù hợp với các quốc gia lưu giữ tàu biển Việt Nam nhiều. - Các cảng vụ hàng hải triển khai phối hợp với Chi cục Đăng kiểm trong công tác khắc phục các khiếm khuyết của tàu phát hiện trong quá trình kiểm tra. Nâng cao trách nhiệm giám sát tình trạng kỹ thuật của tàu đối với các giấy chứng nhận an toàn đã được cấp. - Đầu tư, xây dựng phần mềm kiểm tra tàu biển Việt Nam để giám sát tình trạng kỹ thuật của các tàu biển Việt Nam. - Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đề án đưa tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen vào cuối năm 2014. Môi trường biển luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng hàng hải thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Xin ông cho biết, trong lĩnh vực này, với vai trò của mình, Cục Hàng hải VN đã có sự quan tâm như thế nà Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường biển và các nguy cơ gây ô nhiễm biển với đời sống, kinh tế, chính trị-xã hội và an ninh quốc gia, thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường biển. Cục HHVN với chức năng và nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ GTVT giao phó đã và đang triển khai rất nhiều các nhiệm vụ môi trường nhằm góp phần cùng với cộng đồng hàng hải thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng bảo vệ môi trường biển. Cụ thể như sau: Hiện nay, Cục HHVN đang triển khai việc nghiên cứu để đề xuất lên Bộ GTVT việc gia nhập một số điều ước quốc tế khác của IMO về bảo vệ môi trường biển: Công ước quốc tế về các hệ thống chống hà của tàu năm 2001 (AFS 2001); Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn và cặn nước dằn tàu năm 2004 (BWM 2004); và các Phụ lục III, IV, V, VI của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra 1973, được sửa đổi bằng Nghị định thư 1978 liên quan (MARPOL 73/78) vào cuối năm 2012, 2013. Ngoài ra Cục HHVN còn đang nghiên cứu triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ theo Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động GTVT và dự kiến trong thời gian tới Cục HHVN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ liên quan đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính của ngành Hàng hải. Cục HHVN đã tích cực, chủ động tham gia vào việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong đó có các nội dung về phòng ngừa ô nhiễm biển, trong đó đặc biệt quan trọng là Bộ luật HHVN năm 1990 và 2005 và nhiều nghị định, thông tư, quyết định liên quan của Chính phủ và các bộ, ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hàng hải. Hàng năm, Cục HHVN đều tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức về môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường biển cho các đơn vị trong ngành Hàng hải. Các văn bản quy phạm pháp luật, các điều ước quốc tế và các hướng dẫn về phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển liên quan đều được Cục HHVN cập nhật thường xuyên trên trang tin điện tử http://www.vinamarine.gov.vn  để phục vụ cho các đơn vị trong ngành Hàng hải. Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng luôn được Cục HHVN quan tâm, làm cơ sở cho việc phát triển nhanh và bền vững của ngành Hàng hải. Cục HHVN đã và đang tập trung chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ công chức trong lĩnh vực môi trường. Hàng năm, Cục HHVN đã cử nhiều cán bộ đi học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Hàng hải thế giới của IMO, cử các cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại các cơ quan hàng hải của các nước trên thế giới; tham dự các hội nghị, hội thảo của Nauy, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và IMO về công tác ứng cứu sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra. Xin cảm ơn ông! Và nhân dịp đầu Xuân mới, kính chúc ông cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt! HỒNG MINH (Thực hiện)

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24307268
    • Online: 292