09/02/2014

Tại Hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách" được tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định, nền kinh tế trong nước giai đoạn 2014–2015 sẽ phục hồi nhẹ, lạm phát nhiều khả năng được khống chế ở mức một con số, vốn đầu tư được cải thiện nhất định… Tuy nhiên, năm 2014 nhiều khả năng tiếp tục là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam có mức tăng trưởng GDP thấp - dưới 6%; điểm nghẽn của nền kinh tế vẫn ở nợ xấu, bất động sản ảm đạm và tái cơ cấu chậm chạp. Những điểm nghẽn Kinh tế thế giới năm 2014 được dự báo có những “đốm sáng”: thương mại phục hồi, dòng vốn FDI tăng lên 1.600 tỷ USD từ mức 1.400 tỷ USD của năm 2013, song vẫn tiềm ẩn những bất ổn liên quan đến thị trường lao động-việc làm, thâm thụt tài khóa của hầu hết các quốc gia… Đối với kinh tế trong nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch&Đầu tư Nguyễn Mại nhận định, việc tăng trưởng kinh tế chỉ xấp xỉ 6% kéo dài trong 10 năm qua là thua xa các nước trong khu vực, thậm chí ngay cả với Philippines - một quốc gia đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề từ thiên tai là điểm đáng báo động, bởi nó kéo theo nguy cơ lớn trong dài hạn, như tỷ lệ người lao động bị thất nghiệp gia tăng, nhiều doanh nghiệp phá sản. Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, điểm nghẽn của tăng trưởng kinh tế nằm ở ba khâu: doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân và nông nghiệp. Đặc biệt, khu vực quốc doanh (đóng góp trên 30% GDP) vẫn chưa tạo hiệu ứng tốt cho các đối tượng khác phát triển. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện vẫn chủ yếu diễn ra trên bề nổi, trong khi chiều sâu vẫn bế tắc. Bên cạnh đó, niềm tin của khu vực tư nhân cũng giảm sút, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản... “Cơ hội tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam còn nhiều, nhưng đáng tiếc, với chính sách hiện tại, chủ yếu dựa vào vốn (chiếm 60%), lao động (25,5%), trong khi yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) chỉ đóng góp 14,5%” - ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh vào các con số được tính toán cụ thể và cho rằng, đây là cơ sở để tính cái giá phải trả cho các kế hoạch tái cơ cấu, cũng như sức chịu đựng của nền kinh tế… Tháo gỡ trở ngại Bài toán chính sách với từng ngành được các chuyên gia đưa ra khá rõ ràng tại Hội thảo: Ngành Xây dựng còn nhiều tiềm năng, nhưng hiệu quả đầu tư thấp, nên chọn hướng tăng hiệu quả, công nghệ, chứ không cần gọi thêm quy mô. Nhóm ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có tiềm năng phát triển tốt trong năm 2014, có hiệu quả đầu tư cao cần ưu tiên đầu tư. Nhóm ngành Tài chính-Ngân hàng-Bảo hiểm còn tiềm năng phát triển, nhưng cũng theo hướng tăng hiệu quả, lao động, chứ không tăng quy mô vốn… Với nền kinh tế mở, kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới có phục hồi tốt hơn hay có những biến động lớn hay không. Tuy nhiên, các nhận định chung đều cho rằng, để kinh tế trong nước năm 2014 có thể tăng trưởng cao hơn khoảng 1% so với con số dự kiến Quốc hội đặt ra, Chính phủ cần tập trung mạnh hơn những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tái cấu trúc. Cụ thể, Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết hàng tồn kho, đặc biệt là tồn kho bất động sản nhằm giải tỏa khoảng 100.000 tỷ đồng còn tồn đọng, tạo sức lan tỏa sang các ngành sản xuất khác... Đồng thời, giải quyết hiệu quả hơn vấn đề nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, khơi thông dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp; đẩy mạnh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa và tăng sự lan tỏa của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Việc xử lý hàng tồn kho, nợ xấu ngân hàng đã vượt qua độ trễ và có thể áp dụng trơn tru trong năm 2014 là một trong những yếu tố ảnh hưởng tăng trưởng trong năm tới. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiên định với các chính sách hỗ trợ sẽ tạo cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp tăng trưởng, quay trở lại hoạt động, cộng hưởng với cú hích từ gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong năm 2014, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 25% xuống 22% chính thức có hiệu lực sẽ tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp; chính sách tài chính tiền tệ 2014–2015 tập trung cho việc duy trì lãi suất thấp 10–13%, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính–ngân hàng tiếp tục là trọng tâm của Chính phủ thay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn. Chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì sự thận trọng và thắt chặt nhằm hướng tới mục tiêu lạm phát khoảng 7% trong 2-3 năm tới, thậm chí thấp hơn trong các năm tiếp theo. Cán cân thương mại ở mức cân bằng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài có sự cải thiện nhẹ. Thâm hụt ngân sách có thể được cải thiện; doanh nghiệp được hưởng lợi từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Trên cơ sở bình ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế, niềm tin của doanh nghiệp dần được khôi phục, chỉ số của các nhà quản lý mua sắm (PMI) tăng, nhiều doanh nghiệp mới hình thành… đều cho tín hiệu chung là kinh tế Việt Nam năm 2014 nhiều khả quan hơn năm 2013. Kịch bản tăng trưởng kinh tế Lần đầu tiên, các kịch bản kinh tế 2014-2015 của Việt Nam được dựng trên nền mô hình dự báo kinh tế vĩ mô trung và dài hạn. Theo đó, với kịch bản lạc quan nhất, khi nền kinh tế giải quyết được những khó khăn, chính sách điều hành dần đi vào thực tế, những điểm nghẽn của nền kinh tế được giải quyết theo hướng tích cực, thì tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 có thể đạt 5,67%; chỉ số CPI nhiều khả năng sẽ cao hơn năm 2013, đạt khoảng 7%; tăng trưởng GDP năm 2015 có thể đạt 6,03%, CPI khoảng 7,2%. Kịch bản tăng trưởng cao cũng có thể xảy ra, nếu nền kinh tế trong nước phát triển được hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình hồi phục kinh tế thế giới, tận dụng được lợi thế về mở rộng đầu tư thương mại. Khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ đạt gần 6,2%, lạm phát được khống chế ở mức trên 7%. Tăng trưởng GDP năm 2015 sẽ đạt 6,5%, CPI khoảng 7,5%. Với kịch bản lạc quan nhất, được đánh giá là khó có khả năng xảy ra nhất. Cụ thể, GDP sẽ tăng vượt dự báo và tiệm cận mức tăng trưởng giai đoạn 2005-2007 (7 - 8%) nhờ các động lực là dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, tái cơ cấu nền kinh tế được thuận lợi, nhiều vụ mua bán sáp nhập diễn ra với quy mô lớn. Tín dụng tăng trưởng nhanh cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ đẩy lạm phát tăng ngoài kiểm soát và xảy ra xu hướng nâng lãi suất huy động. Trong mô hình dự báo kinh tế vĩ mô trung và dài hạn cho 5 khu vực sản xuất được Nhóm nghiên cứu do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCEIF) công bố, với giả định, đầu tư khu vực nhà nước tăng 1% làm cầu cuối có thể tăng tới 2,4%, nhập khẩu tăng 1,9% và GDP hiện hành tăng 0,82%. Trong trung và dài hạn, cầu cuối cùng và nhập khẩu vẫn giữ mức tăng khá ổn định ở mức tương ứng 2,5 - 2,7% và 1,9 - 2%. Tuy nhiên, GDP hiện hành có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, giả định giảm thuế giá trị gia tăng 1%, trong ngắn hạn, sẽ làm các yếu tố như cầu cuối cùng, GDP, nhập khẩu tăng khoảng 0-0,4%; xuất khẩu gần như không tăng và lạm phát giảm mạnh. Trong trung hạn, các yếu tố cầu cuối cùng và nhập khẩu tiếp tục tăng (tương ứng trên 0,8% và trên 0,4%) và có xu hướng ổn định. Trong cú sốc này, GDP vẫn tăng nhẹ trong trung hạn, với mức gần 0,4%, ổn định trong dài hạn. Theo đánh giá của ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với bối cảnh của kinh tế Việt Nam, không thể tách bạch các chính sách trọng cung hay cầu, mà cần nghệ thuật điều hành với những liều lượng chính sách được cân nhắc cẩn trọng. MINH HỒNG (Tổng hợp)

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24307606
    • Online: 616