26/11/2013

Sau khi hoàn tất công tác kiểm tra hoạt động tàu cao tốc tại một số tỉnh, thành, ngày 08/10 vừa qua, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu các công ty khai thác tàu cao tốc cánh ngầm lắp đặt hệ thống tự động nhận dạng AIS trên tàu để các cơ quan chức năng quản lý và giám sát hoạt động của tàu trên tuyến luồng, đồng thời khống chế tốc độ chạy tàu nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Lo ngại trước thực trạng tàu cao tốc Thống kê tại 12 tỉnh, thành cho thấy, tàu cao tốc chở khách hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa có tổng cộng 335 tàu, trong đó có 282 tàu đang khai thác, số còn lại hoặc hết hạn hoạt động hoặc đang chờ sửa chữa. Tuổi bình quân của đội tàu là 7 tuổi, tàu "trẻ" 1-5 tuổi chiếm 44%, nhưng cũng có 11 tàu trên 20 tuổi, 1 tàu 25-30 tuổi và 1 tàu 30-35 tuổi. Bên cạnh đó, tàu cao tốc chở khách hoạt động tuyến biển hiện có 26 tàu với độ tuổi bình quân 9,27 tuổi, trong đó có 1 tàu đã khai thác 20-25 năm. Năm ngoái, trên cả nước đã xảy ra 6 vụ va chạm, chết máy, hỏng máy giữa hành trình và mới đây, ngày 26/7, tàu cánh ngầm bị chết máy trên sông Lòng Tàu (Đồng Nai) trôi dạt và va chạm với phao tiêu trên luồng. Bảy tháng đầu năm nay xảy ra 14 sự cố liên quan đến tàu cánh ngầm, chủ yếu xảy ra với tàu cánh ngầm một máy, hoạt động trên tuyến TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu. Từ tháng 6/2007 đến 31/7/2013, riêng TP.Hồ Chí Minh xảy ra tới 34 sự cố, tai nạn liên quan đến tàu cánh ngầm, trong đó có 2 vụ thực sự nghiêm trọng… Tuyến tàu cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu dài 87km, địa hình quanh co, trong đó đoạn qua vịnh Gành Rái chiếm một phần ba chiều dài toàn tuyến có sóng to, gió lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thế nhưng người điều khiển tàu cao tốc trên tuyến này hầu hết không có chứng chỉ điều khiển phương tiện hành trình ven biển, khả năng điều động phương tiện rất hạn chế, không có kinh nghiệm xử lý sự cố… Tàu cao tốc "hết cửa" vượt tốc độ Trước mắt, để đảm bảo an toàn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa, Bộ GTVT đã có chỉ đạo từ 01/9/2013 tạm dừng hoạt động tàu cánh ngầm lắp một động cơ để kiểm tra các điều kiện về an toàn theo quy định. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các điều kiện an toàn đối với luồng hàng hải, cảng bến thủy nội địa đón trả khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm, đồng thời đề xuất các điều kiện đảm bảo an toàn trước khi cho tàu cao tốc một động cơ hoạt động. Cũng trong tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, Bộ GTVT đã thành lập hai đoàn kiểm tra thực trạng về điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu cao tốc cánh ngầm tại 3 địa phương (Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu), trong đó đặc biệt thanh kiểm tra về điều kiện đảm bảo an toàn đối với luồng hàng hải, cảng, bến thủy nội địa phục vụ tàu cao tốc cánh ngầm, đón, trả hành khách, các thông số kỹ thuật an toàn… Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm về an toàn giao thông của tàu cánh ngầm, như tình trạng tàu cánh ngầm hoạt động sai luồng tuyến theo quy định tại Thông tư 14 của Bộ GTVT (tàu cánh ngầm được coi là phương tiện thủy nội địa nhưng lại hoạt động trên tuyến luồng hàng hải); đồng thời, Đoàn cũng phát hiện trên tuyến có 7 điểm đen vì một số tàu gắn thiết bị giám sát hành trình của ô-tô nên khi tàu rời bến, hành trình của tàu lại được hiển thị trên đường bộ trong khi tuyến đường thủy nội địa chưa có bản đồ số nên rất khó xác định vị trí, hành trình của tàu cao tốc cánh ngầm.
Sau khi hoàn tất công tác kiểm tra hoạt động tàu cao tốc tại TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Hải Phòng, ngày 08/10 vừa qua, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu các công ty khai thác tàu cao tốc cánh ngầm lắp đặt hệ thống tự động nhận dạng AIS trên tàu. Theo đó, trước 31/10/2013, chủ tàu cao tốc cánh ngầm một máy phải hoàn thành phương án đưa tàu vào vị trí an toàn, tránh va trôi hoặc chờ ứng cứu khi tàu bị sự cố chết máy trên luồng được Cảng vụ hàng hải khu vực quản lý tuyến hoạt động của tàu xem xét, chấp thuận. Đơn vị khai thác cầu bến tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Vũng Tàu phải bổ sung đệm chống va đảm bảo cho các tàu cao tốc cánh ngầm cập bến an toàn; thời gian hoàn thành trước 30/11/2013. Chủ tàu cao tốc cánh ngầm một máy phải hoàn thành việc lắp đặt AIS trước khi đưa tàu vào hoạt động trở lại. Chủ tàu cao tốc cánh ngầm hai máy phải hoàn thành việc lắp đặt AIS trước ngày 01/11/2013. Thiết bị AIS lắp trên tàu phải thỏa mãn tiêu chuẩn hiện hành, được kết nối với hệ thống kiểm soát của các Cảng vụ hàng hải khu vực và việc kết nối này phải được các Cảng vụ hàng hải xác nhận. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Sở Giao thông vận tải địa phương sẽ không cấp giấy phép rời cảng, bến cho tàu cao tốc cánh ngầm khi chưa đáp ứng điều kiện này. Nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động, Bộ GTVT giao Cục HHVN chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Hải Phòng quy định các khu vực khống chế tốc độ của tàu cao tốc cánh ngầm trên luồng hàng hải với thời gian hoàn thành trước ngày 31/10/2013; chủ trì, phối hợp với các Cảng vụ Đường thủy nội địa theo dõi, giám sát thường xuyên hành trình của tàu cao tốc cánh ngầm thông qua hệ thống AIS. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu chủ tàu phải bố trí hệ thống phát thanh trên tàu để hướng dẫn hành khách cách sử dụng thiết bị cứu sinh, thoát hiểm trước mỗi chuyến hành trình, thông báo kịp thời cho hành khách những thông tin cần thiết trong chuyến đi. Chủ tàu có trách nhiệm xây dựng và áp dụng quy trình khai thác tàu an toàn, bao gồm các nội dung cơ bản như: việc kiểm tra thường xuyên điều kiện an toàn của tàu; xử lý sự cố kỹ thuật trong hành trình; hướng dẫn an toàn cho hành khách; kiểm tra thông tin thời tiết trước khi rời bến; xử lý và thông báo cho hành khách khi xảy ra các tình huống bất thường trong khi đang hành trình trên luồng. Quy trình này phải hoàn thành trước 31/10/2013 và được gửi cho các Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực liên quan đến tuyến hoạt động của tàu. Bộ GTVT chỉ đạo, các cơ quan liên quan như Cục Đường thủy nội địa, Cục Đăng kiểm, các Tổng công ty Bảo đảm ATHH phải thường xuyên theo dõi, giám sát hành trình của tàu cao tốc cánh ngầm thông qua hệ thống AIS; tăng cường kiểm tra tàu biển, phương tiện thủy nội địa neo đậu, xem xét, chấp thuận phương án đưa tàu vào vị trí an toàn, tránh va trôi hoặc chờ ứng cứu khi tàu bị sự cố chết máy trên luồng (do chủ tàu trình); khảo sát công bố luồng và lắp đặt báo hiệu đối với đoạn luồng phao. Ngoài ra, Cảng vụ Đường thủy nội địa trực thuộc trang bị VHF để liên lạc với phương tiện đang hoạt động trên luồng; thông báo thời gian xuất bến của tàu cao tốc cánh ngầm cho Cảng vụ Đường thủy nội địa tại bến đến; không cấp giấy phép rời cảng, bến cho tàu cao tốc cánh ngầm khi chưa đáp ứng điều kiện theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu Vụ Vận tải tiếp tục rà soát toàn bộ các nội dung liên quan đến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 14/2012/TT-BGTVT cho phù hợp với tình hình thực tế; trình Bộ trưởng ban hành trong Quý I/2014. Khi các tàu cánh ngầm có lắp hệ thống AIS, Cảng vụ hàng hải sẽ quản lý được về tuyến hành trình, tốc độ, vị trí, khuyến cáo hoặc phát hiện các vi phạm về tốc độ… trên tuyến luồng hàng hải cũng như phát hiện kịp thời tình trạng bất thường của tàu, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý phương tiện hoạt động tại khu vực. Bên cạnh đó, các chủ tàu sẽ nhận được những thông tin cần thiết từ Cảng vụ về tình hình giao thông trên luồng để biết được vị trí, tốc độ nhằm phục vụ công tác điều phối kế hoạch chạy tàu, khắc phục được các hạn chế của thiết bị giám sát hành trình cũng như khi không có mạng internet để theo dõi trên thiết bị giám sát. Dự thảo Nghị định về niên hạn sử dụng phương tiện thủy cao tốc chở khách tại Việt Nam Phương án 1: Niên hạn sử dụng của tất cả các phương tiện thủy cao tốc chở khách là không quá 25 năm. Phương án 2: Niên hạn được quy định như sau: - Tàu cánh ngầm: không quá 21 năm; - Tàu đệm khí: Không quá 18 năm; - Các phương tiện thủy cao tốc chở khách khác: Không quá 25 năm. MINH HỒNG

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24306213
    • Online: 406