14/06/2021

Các dự án duy tu, nạo vét luồng hàng hải đang được gấp rút triển khai để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.

Hình ảnh minh họa

Thi công cuốn chiếu

Theo kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải năm 2021 được Bộ GTVT phê duyệt, giai đoạn 2021 - 2022 sẽ có 26 tuyến luồng hàng hải được duy tu, nạo vét để nâng công suất khai thác cảng biển.

Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu (chuyển tiếp từ năm 2020) đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào khai thác từ tháng 3/2021. Công tác duy tu luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu chuyển tiếp từ năm 2020 cũng được thi công nạo vét từ ngày 30/5 và hoàn thành trước ngày 30/10/2021.

“Với các dự án phê duyệt thực hiện trong năm 2021, công trình duy tu luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải, Rạch Giá đã được địa phương chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét trên bờ. Hiện dự án đang lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt thiết kế và lựa chọn nhà thầu. Dự kiến hai công trình sẽ khởi công trong tháng 9/2021 và hoàn thành trước ngày 31/12/2021”, ông Việt nói.

Cũng theo ông Việt, các tuyến luồng giao thực hiện trong hai năm 2021 - 2022 là: Sài Gòn - Vũng Tàu, Soài Rạp hiện đã tìm kiếm được vị trí đổ vật liệu nạo vét trên bờ và đang chờ UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, chấp thuận.

Tại khu vực phía Bắc, ông Dương Ngọc Đức, Phó TGĐ Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải (ATHH) miền Bắc cho biết, đơn vị đang khẩn trương hoàn tất các dự án nạo vét cũ và hoàn thiện thủ tục cho các dự án mới triển khai đúng tiến độ. Trong số 8 tuyến luồng chuyển tiếp từ năm 2020, đến nay đã hoàn thành thi công 3 tuyến: Phà Rừng (đầu tháng 4/2021), Cửa Lò và Cửa Hội - Bến Thủy (cuối tháng 5/2021).

Hai tuyến luồng đang thi công gồm: Thuận An dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2021 và luồng Nghi Sơn được khởi công cuối tháng 5/2021, dự kiến hoàn thành sau 3 tháng nữa. Ngoài ra, ba công trình đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu gồm: Vũng Áng, Diêm Điền và luồng Hải Phòng (đoạn Lạch Huyện).

Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đến quá trình triển khai duy tu các tuyến luồng, Phó Cục trưởng Nguyễn Đình Việt cho rằng, việc phong tỏa, hạn chế đi lại khiến công tác điều động phương tiện, thiết bị và nhân công phục vụ thi công khó khăn hơn.

“Cục Hàng hải VN yêu cầu các đơn vị hạn chế cho nhân sự lên bờ (do đặc thù công tác nạo vét thi công dưới nước và nhân sự sinh hoạt trên phương tiện để thuận tiện thi công và giám sát), tránh tiếp xúc với người lạ. Phải có phương án điều động, bố trí nhân sự bổ sung trong trường hợp nhân sự trên phương tiện thi công nạo vét bị nghi nhiễm Covid-19 và quy trình phun khử khuẩn thiết bị thi công, cách ly để không ảnh hưởng đến tiến độ công trình”, ông Việt nói.

Tiếp tục gỡ “nút thắt” vị trí đổ chất nạo vét

Ông Dương Ngọc Đức cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải là tìm được vị trí đổ đất và hoàn thành được các thủ tục cấp phép cần thiết về mặt môi trường.

“Thực tế, hầu hết các địa phương rất khó khăn, thậm chí không còn khả năng bố trí thêm khu vực tiếp nhận chất nạo vét trên bờ. Việc đổ vật liệu nạo vét xuống biển chưa có quy hoạch không gian biển cũng như quy hoạch sử dụng, khai thác tài nguyên biển. Do vậy, quá trình xem xét, giới thiệu địa điểm và thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép nhận chìm chất nạo vét ngoài biển mất rất nhiều thời gian”, ông Đức nói.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Đình Việt, do chất nạo vét là bùn lỏng, việc tái sử dụng rất hạn chế, cần nhiều thời gian mới có thể sử dụng, gây khó khăn cho việc tìm kiếm vị trí tiếp nhận chất nạo vét trên bờ. Các vị trí nếu tìm được cũng chỉ có diện tích hạn chế, khó khả thi đối với các tuyến luồng hàng hải có khối lượng chất nạo vét lớn. Cùng đó, hiện nay trên phạm vi cả nước chưa có quy hoạch các vị trí tiếp nhận chất nạo vét khu nước, vùng nước trước cầu cảng và luồng hàng hải trên bờ và ngoài biển.

“Về lâu dài, nhận chìm chất nạo vét ngoài biển vẫn là giải pháp bền vững. Bên cạnh việc lập quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng, khai thác tài nguyên biển, các cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục đánh giá tác động môi trường, lập dự án nhận chìm ở biển phù hợp với tính chất, quy mô của từng công trình nạo vét”” ông Việt nêu.

Nhiều công trình nạo vét tiếp tục xin cấp phép nhận chìm ngoài biển

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Đình Việt cho biết, tuyến luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (thuộc kế hoạch duy tu trong hai năm 2021 - 2022) đã được UBND tỉnh Trà Vinh chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét ngoài biển. Năm 2021, công trình chỉ tiến hành các thủ tục về chuẩn bị đầu tư, Cục Hàng hải VN đang chỉ đạo đơn vị bảo đảm ATHH lập bản vẽ thiết kế thi công, báo cáo đánh giá tác động môi trường, xin cấp phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển. Dự kiến, các thủ tục này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.

Tại khu vực phía Bắc, theo ông Dương Ngọc Đức, luồng hàng hải Nghi Sơn và Cửa Lò đã triển khai đến bước lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường và dự án nhận chìm vào vị trí đổ đất. UBND TP Hải Phòng cũng đang xem xét đề xuất của Cục Hàng hải VN về việc sử dụng vị trí đổ vật liệu nạo vét ngoài biển đối với luồng hàng hải Hải Phòng (đoạn Lạch Huyện). Sau khi đạt được sự thỏa thuận về chủ trương của địa phương, đơn vị bảo đảm ATHH sẽ triển khai các thủ tục xin cấp phép nhận chìm cho công trình. Thời gian khởi công các công trình nạo vét nêu trên đều được dự kiến vào đầu năm 2022./.

Nguồn: Báo Giao thông

 

 

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24304384
    • Online: 456