28/11/2019

Gần đây liên tiếp xảy ra các sự cố và tai nạn nghiêm trọng liên quan đến tàu pha sông biển (VR-SB), gióng hồi chuông cảnh báo về những bất cập...


Hình ảnh minh họa

Hoạt động tàu VR-SB lộ nhiều bất cập

Trưa 31/10, tàu Thành Công 999 trên hành trình chở bột đá từ Thanh Hóa vào cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh) đã gặp sự cố và bị chìm tại vị trí cách cảng đích 3 hải lý. Vụ việc khiến 1 thủy thủ trên tàu tử vong, 11 thuyền viên và 1 hành khách có mặt trên tàu "hút chết". Nguyên nhân tàu Thành Công 999 gặp nạn là do sự cố máy lái trong bối cảnh thời tiết phức tạp, sóng gió lớn (cấp 5 - 6), các thuyền viên đã không kịp xoay trở.

Sau đó không lâu, ngày 03/11, tàu Ngọc Lan 15 của Công ty TNHH Hoàng Thiện Nam (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) trên hành trình chở 3.000 tấn clinke từ Hải Phòng đi Cần Thơ, đến vị trí cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) khoảng 10 hải lý về phía Tây Bắc thì bị chìm. Các thuyền viên may mắn được lực lượng chức năng và tàu, thuyền hoạt động lân cận cứu giúp. Theo tiết lộ của đại diện Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền, Thái Bình, tàu Ngọc Lan 15 chính là tàu biển hạn chế 3 hoán cải thành tàu cấp VR-SB hoạt động và cũng bị gặp nạn trong điều kiện thời tiết biển không ổn định do ảnh hưởng của bão số 5.

Ông Võ Duy Thắng, Trưởng phòng An toàn - An ninh hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phương tiện VR-SB được hoạt động trong cấp sóng gió nhỏ hơn 2,5m, cách bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 12 hải lý trong phạm vi giữa các bến cảng thuộc cửa sông hoặc từ các bến cảng thủy nội địa đến cảng biển. "Tuy nhiên, hiện hầu hết các tàu SB đều hoạt động như một tàu biển, khoảng 70% lượng hàng do tàu SB vận chuyển là từ cảng biển đến cảng biển với lộ trình chạy cắt thẳng vịnh Bắc bộ, cách bờ đến 100 hải lý", ông Thắng nói và cho biết, vùng biển Việt Nam nằm trong khu vực chịu tác động của gió mùa Đông Bắc nên giông lốc xuất hiện bất thường, khiến cấp sóng vượt ngưỡng 2,5m (quy chuẩn sức chịu đựng của tàu SB).

Cũng theo ông Thắng, từ năm 2014 đến nay, trên các vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam đã xảy ra 38 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến phương tiện VR-SB gây chìm đắm 26 phương tiện (trong đó có 14 phương tiện VR-SB và 12 tàu khác) khiến 3 người thiệt mạng. Riêng 10 tháng đầu năm 2019, xảy ra 7 vụ tai nạn liên quan đến tàu VR-SB, trong đó có 4 vụ phương tiện tự chìm đắm. "Điều này là rất đáng quan ngại, đòi hỏi các cấp chức năng phải định nghĩa lại loại hình tàu SB bằng việc nghiên cứu, bổ sung quy chuẩn", ông Thắng nói.

Có nên hợp nhất thành phương tiện ven biển?

Theo ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và vận tải Vũ Gia Tam, theo quy định, tàu VR-SB có một số yếu tố kỹ thuật an toàn được ưu tiên hơn tàu biển hạn chế 3. Tuy nhiên, xét về phạm vi hoạt động, tàu SB đã được cấp phép chạy từ Bắc vào Nam, khoảng cách cách bờ 12 hải lý so với tàu biển hạn chế 3 (20 hải lý) cũng không đáng kể, yếu tố đảm bảo an toàn như phao tự thổi dù không yêu cầu song nhiều chủ tàu SB cũng tự nguyện lắp đặt để tăng cơ hội tự ứng cứu cho thuyền viên khi tàu gặp nạn. "Do đó, cần nghiên cứu phân loại lại cấp tàu như hợp nhất hai loại SB và hạn chế 3 để việc quản lý được thống nhất, đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh thị trường vận tải và xóa bỏ tình trạng cấp tàu tương đương nhau nhưng một loại phải sang cơ quan đăng kiểm đăng ký (tàu VR-SB), một loại phải chịu sự quản lý của phía hàng hải (tàu biển hạn chế 3)", ông Ngọ nói.

Tuy nhiên về vấn đề này, theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, phương tiện được cấp chứng nhận đăng kiểm, đăng ký loại hình nào phải tuân thủ theo vùng hoạt động tương ứng. Việc đưa hai loại phương tiện trên vào cùng một quy chuẩn sẽ không đảm bảo an toàn. "Tàu SB hoạt động trong đường thủy nội địa và phạm vi nhất định ven bờ, kết nối vận tải thủy - hàng hải, không nhằm để thay thế tàu biển hoạt động ven bờ. Do đó, cần quản lý chặt chẽ hơn hoạt động vận tải của tàu SB để tránh tình trạng chạy xa hơn phạm vi quy định, gây mất an toàn cho phương tiện và thuyền viên, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh thay vì hợp nhất", đại diện Cục Đăng kiểm nói.

Ông Võ Duy Thắng cho biết, trước thực trạng tàu SB phát triển "nóng" và TNGT diễn biến phức tạp, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất Bộ nâng cấp các tiêu chuẩn của tàu VR-SB như: Bổ sung quy định về thuyền viên làm việc trên các phương tiện VR-SB; phải có các trang thiết bị an toàn, cứu hỏa tương đương như tàu biển mang cấp hạn chế 3 trở lên; Bổ sung chương trình đào tạo về ngoại ngữ cho thuyền viên làm việc trên phương tiện VR-SB để đáp ứng việc thông tin liên lạc khi tàu hoạt động trên biển.

"Cục Hàng hải Việt Nam cũng kiến nghị nghiên cứu, bãi bỏ việc nối tuyến, chỉ cho phép các phương tiện VR-SB được hoạt động trên các tuyến: Quảng Ninh - Quảng Bình; Bình Thuận - Kiên Giang; Quảng Bình - Bình Thuận được công bố như thời gian đầu để đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động", ông Thắng cho hay./.

Nguồn: Báo Giao thông

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

Điện thoại:  +84-(0)24.37683191
+84-(0)914689576
Thời gian tiếp công dân:  Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần
- Sáng từ: 8 giờ 00 phút đến 11 giờ 30 phút
- Chiều từ: 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 00 phút.
Lịch tiếp công dân:  - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiếp công dân định kỳ một ngày trong một tháng vào ngày thứ Hai của tuần cuối tháng
- Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp công dân thực hiện tiếp công dân từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

HÌNH ẢNH & VIDEO

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

    • Tổng số :24307344
    • Online: 368